Hội nghị triển khai kế hoạch tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng huyện nông thôn mới năm 2023
Chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất là một trong những giải pháp quan trọng để ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện cơ giới hóa, thủy lợi hóa vào sản xuất nông nghiệp, là cơ sở để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân. Nhận thức rõ điều đó, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất từ khá sớm. Năm 2001, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về lãnh đạo cuộc vận động chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/2003/CT-UB về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi sử dụng ruộng đất nông nghiệp, chỉ thị số 11/2008/CT-UB về việc tiếp tục thực hiện chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2 gắn với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng hồ sơ địa chính. Qua 2 lần thực hiện, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và ở huyện Hương Sơn nói riêng đã thu được những kết quả bước đầu rất tích cực: phần nào khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún (hộ sản xuất nhiều vùng, nhiều thửa); đồng ruộng nhiều nơi được cải tạo; giao thông, thủy lợi được nâng cấp, thuận lợi cho việc cơ giới hóa sản xuất; hình thành được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị,…góp phần vào tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới. Từ những kết quả khả quan đó và để có đột phá trong lĩnh vực sản xuất Nông nghiệp, ngày 18/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Xác định được mục tiêu, ý nghĩa tầm quan trọng và để thực hiện hiệu quả nghị quyết số 06-NQ/TU của tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Sơn đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/HU ngày 01/7/2022 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất; UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức Đoàn thể tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, Chỉ thị đến cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Huyện tổ chức cho các phòng ban, các địa phương tham quan học tập các mô hình tập trung tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các xã xây dựng đề án triển khai thực hiện.
Kết quả đến nay đã có 25/25 xã, thị trấn xây dựng đề án tập trung, tích tụ ruộng đất; một số đơn vị đã triển khai xây dựng được một số mô hình tích tụ ruộng đất quy mô hộ gia đình (ở các xã Sơn Lễ, Sơn Tiến, An Hòa Thịnh, Sơn Bằng, Kim Hoa, Quang Diệm), một số xã Sơn Hàm, Sơn Ninh, Sơn Tây… đang tiếp tục xây dựng mô hình dồn điền, đổi thửa, mô hình liên kết sản xuất giữa Doanh nghiệp, Hợp tác xã với các hộ dân quy mô 10-30 ha.
Tuy vậy, việc thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất toàn huyện chưa đạt được theo yêu cầu, kế hoạch đề ra, nhiều nơi ruộng đất đang còn manh mún, nhỏ lẽ, khó canh tác, áp dụng cơ giới hóa sản xuất; các mô hình sản xuất quy mô lớn, hiệu quả còn ít; liên kết sản xuất giữa người dân với các doanh nghiệp, Hợp tác xã thiếu bền vững, hiệu quả chưa cao,... Việc thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất đối với địa bàn huyện Hương Sơn có nhiều khó khăn do địa hình đồi núi chia cắt, chịu tác động của thiên tai, bão lũ thường xuyên; người dân quen với phong tục sản xuất truyền thống ngại thay đổi, cần có thời gian để chuyển biến nhận thức. Nguồn lực hỗ trợ theo chính sách ở mức hạn chế. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ở một số địa phương, đơn vị, phòng ban còn thiếu kịp thời, quyết liệt, lúng túng, ngại khó.
Nhằm khắc phục những mặt tồn tại, khó khăn, để thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất hiệu quả góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, phát huy tiềm năng lợi thế địa phương, nâng cao giá trị sản xuất, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần thực hiện một số giải pháp:
Một là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chỉ thị số 19-CT/HU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy, các chính sách hỗ trợ về tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm tạo đột phá phát triển nông nghiệp. Qua đó làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ đất đai. Phấn đấu diện tích đất nông nghiệp được tập trung, tích tụ trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả đến năm 2025 đạt trên 1.000 ha; đến 2030 thêm 1.400 ha. Tuyên truyền để cán bộ và người dân hiểu rõ các hình thức (mô hình) chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất theo chủ trương Nghị quyết 06-NQ/TU của tỉnh ủy (mô hình hộ gia đình, cá nhân tập trung tích tụ từ 2ha trở lên; doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân tập trung, tích tụ từ 30 ha trở lên; mô hình quy hoạch, điều chỉnh lại lại đồng ruộng, xóa bỏ bờ thửa hình thành ô thửa lớn, mỗi hộ chỉ sản xuất 1 thửa), giúp người dân hiểu rõ lợi ích từ chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất, cách thức tổ chức thực hiện và các bước xây dựng mô hình (theo hướng dẫn trong bản kế hoạch của UBND huyện).
Hai là: Các xã, thị trấn hoàn thiện đề án tập trung, tích tụ ruộng đất đến 2025 và những năm tiếp theo trình UBND huyện phê duyệt. Đề án cần phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, xác định rõ mô hình, vị trí, diện tích đất thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất (yêu cầu đạt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao), lộ trình, nguồn lực, kinh phí và tổ chức thực hiện. Trong năm 2023, Ban chỉ đạo của huyện, các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng điểm các mô hình để nhân rộng; quy hoạch lại đồng ruộng để thực hiện tập tung, tích tụ ruộng đất trong những năm tiếp theo.
Ba là: Thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh. Lồng ghép các chương trình dự án, huy động các nguồn lực để xây dựng các mô hình tập trung, tích tụ đất đai gắn với tổ chức lại sản xuất theo hướng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, gắn với sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới.
Bốn là: Tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp ổn định lâu dài, để người dân mạnh dạn cho thuê, chuyển nhượng đất sản xuất; đồng thời, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp theo hướng người lao động có khả năng đầu tư, thực hiện trên lĩnh vực cụ thể và khả năng ứng dụng trên chính quỹ đất của mình được giao hoặc được thuê để phát triển sản xuất.
Năm là: Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chương trình đầu tư, cải tạo hạ tầng sản xuất ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để tạo điều kiện ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trọng tâm là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện, các cơ sở bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Sáu là: Tập trung đẩy mạnh chương trình xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và liên kết sản xuất với nông dân; phải chuẩn bị sẵn sàng các danh mục dự án kêu gọi doanh nghiệp tiếp cận, đầu tư một cách thuận lợi nhất. Đồng thời, nâng cao vai trò, năng lực trong quản lý, quản trị, tổ chức sản xuất của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các tổ hợp tác với tư cách, sứ mệnh là người đỡ đầu cho người nông dân; khuyến khích tạo điều kiện giao đất, cho Hợp tác xã, tổ hợp tác thuê đất để tích tụ sản xuất hiệu quả. Làm tốt cầu nối để người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã có sự liên kết sản xuất, tập trung, tích tụ ruộng đất.
Bảy là: Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên bám nắm cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân chủ động chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp thành vùng tập trung, hình thành ô thửa lớn, tiến hành hợp tác, liên kết, góp vốn, cho thuê đất.
Phát động các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến; tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm tốt trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị, Đề án; tuyên dương, khen thưởng, động viên kịp thời các điển hình tiên tiến.
Việc thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện mũi đột phá về lĩnh vực nông nghiệp của huyện trong nhiệm kỳ; để thực hiện hiệu quả cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân hiểu và đồng thuận. Vì vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và có sự phối hợp tốt của các cấp, các ngành; sự kiên trì, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Ngoài một số giải pháp nêu trên, trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu, bổ sung các giải pháp mới để phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các địa phương và các vấn đề phát sinh mới (như có sự thay đổi về Luật đất đai, về các chính sách, về điều chỉnh quy hoạch đất đai…); cùng với việc linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành thì việc tập trung, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của tỉnh ủy và Chỉ thị số 19-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy mới thành công .