Hiện nay đang vào mùa gặt và thu hoạch các nông sản một số hộ gia đình trên địa bàn xã có hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường để phơi lúa, rơm rạ vi phạm hành lang an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Nhiều vụ tai nạn, cháy xe do phơi rơm, lúa đã diễn ra tại nhiều địa phương.
Tại khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ quy định Các hoạt động khác trên đường bộ quy định như sau:
2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
c) Thả rông súc vật trên đường bộ;
d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.”
Do đó hành vi mang thóc, lúa, rơm, rạ ra đường phơi là vi phạm điểm d khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ.
Tại Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:
“Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;
b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.”
Thời gian tới lực lượng Công an xã sẽ tiến hành xử lý các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật./.