I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý, địa hình, đất đai
Xã Sơn Giang trước năm 1945 gọi là xã Tình Diệm thuộc tổng Hữu Bằng gồm các thôn: Đồng Nghe, Bãi Dâu, Sơn Đình, Trung Hà, Tân Thành, Tân Phong, Tân Hà, Trung Thuận, Đồng Đền.
Sau Cách mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương của cấp trên, bỏ đơn vị tổng, thành lập chính quyền cấp xã, với yêu cầu mới, các làng Tình Diệm nhập với làng (xã) Tiến Lâm thành xã Đồng Khánh. Sau giảm tô (1954), xã Đồng Khánh được tách ra thành xã Sơn Giang và Sơn Lâm. Tên gọi Sơn Giang xuất hiện từ đó trên bản đồ huyện Hương Sơn.
Sơn Giang là xã nằm ở phía Bắc huyện Hương Sơn có vị trí địa lý từ 18030'46'' - 18034'16'' vĩ độ Bắc, 105023'39'' - 105026'06'', cách trung tâm Huyện khoảng 1 km về phía Nam. Phía Đông giáp xã Sơn Trung; phía Tây giáp xã Sơn Quang, Sơn Lâm; phía Nam giáp Thị trấn Phố Châu và Sơn Diện; phía Bắc giáp xã Sơn Lễ.
Là xã nằm trong vùng bán sơn địa, Sơn Giang có địa hình nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam và bị chia cắt mạnh bởi sông ngòi và các khe suối. Gần một nửa diện tích của xã là núi, đồi nằm về phía Bắc và Tây Bắc với các ngọn núi: Sèo Voi, Mê Cố, Động Cao, Cây Sông, Cây Trại, Ồ Ồ, Cây Kè, Hố Soạn, Chò Đìa, Động Lèn, Động Bồ, Động Vọt, Hố Su, Chóp Vụt, Động Nậy, Động Ran, Động Đích, Động Mẻ, trại Cu Hứa, động Nhà Thờ, Hóc Su, Hóc Chè, Cà Ổi, Đá Bạc, Tràng Riềng, rú Đồng Giếng, Lài Gà, Hố Vậy, Hố Bị, Hố Gia, Hố Dóc, Hố Du, Nóc Lịp, Cọc Đèn, Đồng Dài, Hốc Chánh, Ba Cháng, cây Gôm Ngoài, cây Gôm Trong, rú Bà Nhỏ, Rú Cựa, Rú Bấn, Rú Chuối, Rú Chùa, Khe Đen, Chuông Mùng, Khe Ngang, Núi Cột cờ (Pháp xây dựng cột cờ làm điểm mốc, nơi Phan Đình Phùng đóng quân), Hố Đào, Bà Mụ, Lèn Đen, Đá Trồng, Cây Thị, Eo Rờm. Cao nhất là đỉnh cột cờ, với độ cao 670 m so với mực nước biển.
Vùng đồng bằng nằm ở phía Nam và Đông Nam là những cánh đồng dùng để trồng trọt và nơi dân cư sinh sống. Trên địa bàn xã có các cánh đồng: Tả Phán, Chò Đìa, Sòi, đồng Bến Lầy, Bãi lầy, Đượng Nghè, Mùa Cua, Động Quán, Cây Ổi, Thông, Nương Dâu, Bờ Nương, Thông Đìa, Cồn Gát, Cồn Bông, Đồng Vại, Cây Mừng, Lòi Trưởng, Cựu Mương, Trộ Đó, Leo, Phát Lát, ruộng Vịnh, Sơn Tiêu, Xà Dương, Đồng Màu, Ghè Gụ, Lò Ngói, Cây Gôm, Nhà Tiêm, Hoang, trọt Cây Sắn, Hố Trưống, Cừa Su, Cừa Nghiêng, Đồng Nẩy, Rú Chuối, rú Cựa, Trưởi, Hóc Chè, Hóc Chánh, Hóc Su, Tai Mang, Lòi Bi, Cồn Mả, Trọt Sen, cây Lim, chân động, cựa cạn, cựa sâu,…
Sông Ngàn Phố chảy qua xã từ Sơn Quang, Sơn Diệm đến Thị Trấn Phố Châu, Sơn Trung, làm ranh giới tự nhiên giữa xã với Thị trấn Phố Châu, Sơn Trung và một phần xã Sơn Diện. Sông Ngàn Phố có vai trò rất lớn đối với sản xuất và giao thông đi lại của nhân dân Sơn Giang và cả huyện.
Trên địa bàn xã còn có nhiều khe suối như: khe Ầm Ầm, khe Ngọn Nước, khe Điếc, khe Chó Troi, Khe Bà Toàn… Người dân nơi đây đã biết tận dụng dòng chảy của các con khe đắp thành các hồ đập như: đấp Quát, đập Chân Động, đập Lò Ngói, đập Cây Lim, đập Ghè, đập Khe Điếc, đập Hóc Vỏ Dao, đập Tràng Riềng, đập Cao Thắng.
2. Thời tiết, khí hậu
Sơn Giang là xã nằm trong vùng đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa lại bị chi phối bởi yếu tố địa hình sườn Đông dãy Trường Sơn nên có sự phân hóa khá sâu sắc. Theo số liệu của trạm khí tượng thủy văn Hương Sơn thì nhiệt độ trung bình hàng năm của vùng là 25,50. Mỗi năm có hai mùa:
Mùa nóng: Từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch, có năm đến sớm hoặc muộn hơn. Đây là mùa nắng nóng, nhất là từ tháng 5 đến tháng 7: nhiệt độ trung bình thường trên 300C, ngày cao nhất có thể lên đến 38 - 400C và chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam (gió Lào) thổi từ Vịnh Thái Lan qua Lào, gây mưa phía Tây Trường Sơn, khi vào Bắc Trung bộ bị biến tính trở nên khô nóng. Trước đây, cùng với nắng nóng, gió Tây Nam thường gây khô hạn, mất mùa, nhất là những năm gió về sớm. Vào các tháng 8 - 10, là mùa mưa bão và lũ lụt: thường gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, nhất là vụ mùa và đời sống của nhân dân.
Mùa lạnh: Thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Sơn Giang cũng như các xã khác thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, mùa lạnh thường đến muộn hơn và kết thúc sớm hơn. Mùa này chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, gây mưa dầm, ẩm ướt và lạnh. Nhiệt độ trung bình từ 16 - 200 C, khi thấp nhất khoảng 9 - 110 C. Mưa dầm, rét mướt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, khí hậu biến đổi khí hậu phức tạp, rét đậm rét hại, bão lũ thường xuyên xảy ra đã làm cho sản xuất bị thiệt hại đáng kể.
3. Các nguồn tài nguyên
Tài nguyên đất: Sơn Giang có tổng diện tích đất tự nhiên là 1356,75 ha, gồm: Đất nông nghiệp1106,89 ha, trong đó: đất 2 lúa 184,82 ha, đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày và rau màu 150,08 ha, đất phi nông nghiệp 226,2 ha, trong đó: đất ở 40,1ha, đất chuyên dùng 119,01 ha, đất tôn giáo, tín ngưỡng 3,39 ha, đất nghĩa trang, nghĩa địa 16,88 ha, đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 46,75 ha, đất chưa sử dụng còn 23,66 ha.. Theo tài liệu điều tra về thổ nhưỡng của tỉnh Hà Tĩnh năm 1971 và các cuộc điều tra của huyện Hương Sơn thì đất đai ở Sơn Giang cơ bản được chia ra các nhóm sau: Đất feralít vàng đỏ phát triển trên đá phiến thạch và biến chất dưới đồng cỏ, đào sâu chưa đến 40 m đã có tầng cứng rắn, tập trung chủ yếu ở phía Bắc giáp xã Sơn Lễ, Sơn Lâm và tỉnh Nghệ An. Loại đất này phù hợp để trồng các loại cây công nghiệp và cây thân gỗ. Đất dốc tụ ven đồi núi, đào sâu 30 cách mạng, chưa có tầng cứng rắn tập trung chủ yếu ở vùng giữa xã. Loại đất này phù hợp với các loại cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày. Đất phù sa được bồi chua, gơlây trung bình hoặc mạnh tập trung chủ yếu vùng giáp xã Sơn Lâm. Loại đất này phù hợp để trồng các loại cây ngắn ngày ngư lạc, khoai, đậu, cây ăn quả…Đất phù sa được bồi chua, ít được bồi tập trung ở vùng trung tâm xã. Loại đất này phù hợp trồng lúa và ngô. Đất phù sa được bồi chua, hàng năm tập trung ven sông Ngàn Phố. Loại đất này phù hợp để trồng cây đậu, lạc…
Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt trên địa bàn xã thường khan hiếm về mùa khô, bởi phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm. Đây là mặt hạn chế về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã. Nguồn nước cơ bản thuận lợi, có hai đầu nguồn thuận lợi, nguồ Khe Tràn và nguồn Khe Ngang nên Sơn Giang có nhiều hồ đập…
Nguồn nước ngầm có chất lượng tương đối tốt, ít bị nhiễm chua, mặn. Nhân dân trong xã đã khai thác phục vụ sản xuất, dân sinh dưới hình thức giếng đào, giếng khoan.
Tài nguyên rừng: Diện tích đất lâm nghiệp của xã Sơn Giang là: 625,10 ha, chiếm 44,66% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, đất rừng phòng hộ 487,40 ha, đất rừng sản xuất 137,70 ha, diện tích được giao khoán tận hộ gia đình 18,16 ha. Cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn và các loại cây lấy gỗ khác. Sản lượng khai thác gỗ hàng năm đạt 4.000 tấn.
Khoáng sản: Sơn Giang có một số mỏ đá Granít chưa bị phong hóa có độ cứng cao (cấp V, VI), được sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Tài nguyên nhân văn: Xã có 1465 hộ, 5470 nhân khẩu, được phân bố thành 8 thôn theo 2 vùng: vùng trong trải dài theo sườn núi gồm các xóm: 1, 5,6,7,8, vùng ngoài trải dọc theo sông Ngàn Phố gồm các thôn: 2, 3, 4; đồng bào theo đạo Thiên chúa có 628 hộ, chiếm 42,87 % dân số.
Nhìn chung Sơn Giang có nguồn tài nguyên đa dạng nhất là tài nguyên đất. Hiện nay, người dân đang tích cực khai thác các nguồn tài nguyên này để làm giàu cho quê hương.
II. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Đời sống vật chất
Ngành nghề sản xuất: Cho đến nay, trên địa bàn xã đã có sự phát triển khá đa dạng của các ngành, nghề: Nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, trong đó, nông nghiệp vẫn là nghề chính.
Trong nông nghiệp: cây trồng chủ yếu ở đây là lúa và hoa màu. Trước đây, lúa được trồng vào hai vụ chính là vụ chiêm và vụ mùa bằng các giống lúa truyền thống như: lúa ven, tám xoan, lúa trần, lúa chè cho năng suât thấp. Các biện pháp thâm canh tăng năng suất, phòng trừ sâu bệnh, làm thủy lợi hầu như không có. Phân bón chủ yếu là phân chuồng, phân xanh; công cụ sản xuất là cày 58, cày chìa vôi, bừa cỏ răng gỗ, gồ đập đất, liềm, hái. Năng suất lúa dưới 30 kg/sào. Hoa màu gồm các loại khoai lang, sắn, khoai môn, khoai nưa, khoai từ được trồng trong vườn hoặc ven đồi. Do ảnh hưởng của khí hậu: mưa bão, lũ lụt, nắng hạn, rét đậm…diễn biến thất thường, địa hình đồi núi nên dù rất chịu khó làm ăn nhưng đời sống của nhân dân Sơn Giang trước đây khó khăn đói kém thờng xuyên xảy ra. Ngày nay, với hệ thống thuỷ lợi khá hoàn chỉnh, thuận tiện cho tưới tiêu, nhiều loại giống lúa mới cho năng suất cao hơn đã được bà con đưa vào trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài lúa, người dân Sơn Giang còn trồng nhiều loại hoa màu và cây ăn quả như: khoai lang, khoai dong, khoai vạc, khoai từ, khoai chuối (dong riềng), đậu xanh, đậu đen, đậu tằm, cà, vừng, bầu, bí, cam, chanh, bưởi…
Xã Sơn Giang có 625,10 ha diện tích lâm nghiệp, chiến 44,66% tổng diện tích tự nhiên. Rừng Sơn Giang trước đây có nhiều loại lâm thổ sản quý như: lim, sến, táu; các loại nứa, song mây thì nhiều vô kể; nhiều loài thú quý như: hổ, báo, hươu, nai, chồn, cáo, lợn rừng, tắc kè, khỉ, voi…Các loại chim đa dạng như: đa đa, gà ri, bìm bịp, chim cuốc, chim sáo, chim gáy…Rừng núi Sơn Giang với thảm thực vật phong phú, động vật đa dạng, trở thành nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân khi mất mùa, giáp hạt. Đồng thời, rừng cũng là nơi cung cấp các nguyên vật liệu dựng đình, đền, làm nhà và dược liệu chữa bệnh. Rừng núi Sơn Giang còn là nơi các anh hùng hào kiệt lập căn cứ chống giặc ngoại xâm và cường quyền áp bức cũng như là hậu cứ quan trọng, đón nhận nhiều cơ quan, đơn vị về đây sơ tán, bảo vệ lực lượng, cất giấu quân lương, kho tàng cho Nhà nước. Tuy nhiên, từ những năm 80 của thế kỷ XX, rừng Sơn Giang bị tàn phá nặng nề làm mất đi vốn quý mà thiên nhiên ban tặng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của con người. Hiện nay, với sự cố gắng cứu rừng, nỗ lực trồng và bảo vệ rừng của toàn Đảng, toàn dân, diện tích đồi núi, rừng ở Sơn Giang bắt đầu xanh tươi trở lại với 487,40 ha rừng phòng hộ, 137,70 ha rừng sản xuất, 18,16 ha đã giao khoán tận hộ gia đình. Cây trồng chủ yếu là bạch đàn, keo và các loại cây lấy gỗ khác. Sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 4.000 tấn.
Chăn nuôi ở đây phát triển sớm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm vị trí quan trọng bởi vừa phục vụ bữa ăn hàng ngày, vừa đáp ứng nhu cầu sức kéo, phân bón, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Trước đây, chăn nuôi, lợn, gà…là chủ yếu và cũng chỉ ở các gia đình khá giả; trong đó chăn nuôi trâu, bò chỉ có ở các nhà giàu. Nhưng đến nay, hầu hết các gia đình đều nuôi lợn, gà, vịt, ngan và cả trâu, bò, dê, hươu, ong bởi thức ăn cho chúng được tận dụng từ những phụ phẩm nông nghiệp, cám bã từ xay xát và đồng cỏ tươi tốt ven núi. Trước kia, phần lớn các gia đình nuôi thả rông nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Ngày nay, ngành chăn nuôi được quy hoạch; nhiều giống gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế được đưa vào sản xuất; chuồng trại được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh; thức ăn phong phú về chủng loại, nhất là thức ăn công nghiệp, phù hợp với nhiều loại hình chăn nuôi nên sự tăng trưởng của đàn gia súc, gia cầm rất nhanh (cả về tổng đàn và sản phẩm). (con hươu có từ thời pháp thuộc, lúc đó các gia đình địa chủ đã có nuôi).
Sơn Giang là xã nằm bên sông Ngàn Phố và có nhiều khe, hồ, đập nên từ xưa, nghề đánh bắt thuỷ sản đã phát triển. Sản vật chủ yếu là tôm, cá, cua…vừa làm thức ăn vừa đem bán mang lại nguồn thu cho một bộ phận bà con. Ngày nay, do tiến bộ của kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mà ở đây, phần lớn diện tích trồng lúa kém hiệu quả và ao hồ đã được chuyển sang nuôi cá nước ngọt với 85,11 ha.
Nghề thủ công nghiệp: Trước đây gồm các nghề: mộc dân dụng, đan lưới đánh bắt cá, nghề may, nghề bún, bánh…. Hiện nay, nghề chế biến lương thực, thực phẩm, sửa chữa xe máy, ô tô, điện tử phát triển khá mạnh.
Sơn Giang là xã giáp với trung tâm huyện Phố Châu nên nghề thương mai dịch vụ trong thời gian gần đây phát triển khá mạnh. Toàn xã có khoảng 15% hộ gia đình mở cửa hàng buôn bán các mặt hàng gia dụng, vật liệu xây dựng. Chợ Đình là trung tâm buôn bán của cả xã. Chợ được hình thành từ ………..
Với truyền thống cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, các thế hệ người dân nơi đây đã xây dựng nên một Sơn Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh, trở thành một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế khá của huyện Hương Sơn.
Cuộc sống của người dân:
Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới sự cai trị của chính quyền thực dân phong kiến, đời sống vật chất của người nông dân phụ thuộc vào số ruộng đất, trâu, bò và nông cụ có được. Theo đó, thành phần bần, cố nông chiếm đại đa số (khoảng 90% dân số và 15% ruộng đất) ở đây rất cơ cực. Nhất là tầng lớp cố nông: những người không có ruộng đất, phải đi làm thuê cho các gia đình khác trong làng từ việc làm ruộng đến các việc vặt khác như bửa củi, chăn trâu; cơm không đủ ăn…Họ là tầng lớp bị bóc lột nặng nề nhất. Tầng lớp trung nông do có ruộng đất, nhà cửa, trâu, bò nên sống khá ổn định. Rất ít hộ trong thành phần này tham gia bóc lột bần cố nông. Còn địa chủ, phú nông, cường hào là tầng lớp có nhiều ruộng đất, ngoài trực tiếp làm ruộng, họ còn phải thuê nhân công (chủ yếu là bần, cố nông) làm công theo hình thức thuê theo từng việc, theo thời vụ; những nhà nhiều ruộng thường phát canh thu tô, cho vay nặng lãi (tô cao, tức nặng) nên cuộc sống ổn định và có dư dật.
Sau cách mạng tháng Tám, số gia đình cố nông đã được chia một số ruộng công nhưng cuộc sống chưa được cải thiện là bao do điều kiện sản xuất như nông cụ, sức kéo…còn chưa có, giống cũ năng suất rất thấp và kỹ thuật canh tác còn vô cùng lạc hậu, lại phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến nên vẫn còn rất thiếu thốn về ăn, mặc, ở và đi lại.
Sau cải cách ruộng đất (1954 - 1957), tầng lớp bần cố nông đã được chia ruộng đất, một ít sức kéo, nông cụ nên không còn cảnh làm thuê. Trong quá trình hợp tác hóa (1958 -1990) bà con đã tự nguyện vào hợp tác xã nông nghiệp làm ăn tập thể. Cuộc sống của người xã viên khá ổn định ngay cả trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Điều mà bất cứ xã viên nào ở đây cũng rất tự hào là nhờ có con đường làm ăn tập thể mà mỗi người dân nơi đây đã đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc: đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối.
Từ sau ngày thực hiện sự nghiệp đổi mới, nhất là từ sau Nghị định 64/NĐ-CP (1993) của Chính phủ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII: thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, người nông dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cuộc sống ngày càng đi lên mạnh mẽ. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, người nông dân Sơn Giang đang ra sức phấn đấu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật với các mô hình kinh tế nhằm phát huy tiềm năng đất đai, lao động đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, làm cho cuộc sống vật chất từ nhà ở, ăn, mặc, đi lại…đã khác xưa một trời một vực.
2. Tôn giáo - phong tục
Sơn Giang là xã có nhiều nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo, người dân Sơn Giang chịu ảnh hưởng của Nho giáo từ cưới hỏi, ma chay đến quan niệm nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, cần, liêm, dũng… Đạo Lão cũng có ảnh hưởng đến tín ngưỡng của người dân với việc xây dựng các đền, miếu. Ở đây, xưa kia nhiều thôn có đền, miếu do nhân dân lập ra để thờ thần nhưng theo thời gian, cùng với những biến động chính trị mà hệ thống đền, miếu bị dỡ bỏ. Hiện nay, đền, chùa được địa phương tôn tạo nhằm phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Người dân Sơn Giang còn chịu ảnh hưởng của Phật Giáo, bằng chứng là trên địa bàn xã có ngôi chùa Tượng Sơn. Chùa Tượng Sơn: chùa được xây dựng thời Hậu Lê (và đầu thế kỷ XVIII) ở làng Yên Hạ do bà Bùi Thị Thưởng thân mẫu của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sáng lập ra và do hai anh em Lê Hữu Trác trực tiếp xây dựng. Sở dĩ chùa có tên gọi là Tượng Sơn vì sau lưng chùa có núi Voi (Tượng). Sát đầu núi Voi có dòng khe nước chảy ầm ầm suốt bốn mùa nên nhân dân còn gọi chùa với tên khác là chùa Ầm Ầm. Trước đây chùa gồm ..... gian, làm bằng gỗ Hiện nay, chùa được tu sửa lại khang trang gồm 3 nhà: thường điện, trung điện, hạ điện, có sư trụ trì và nhiều tăng ni phật tử. Chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ trước đến nay, chùa là nơi nhân dân đến cầu nguyện, thắp hương nhân các ngày lễ, tết, rằm, mồng một hàng tháng.
Đạo Thiên chúa giáo du nhập vào Sơn Giang vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thuộc giáo phận Vinh, giáo xứ Kẻ Mui gồm 3 họ: Yên Quát, Yên Hòa, Đức Vọng. Nhà thờ giáo họ Yên Quát được xây dựng năm 1901 thuộc xóm ....(Đình Hà) ven sông Ngàn Phố. Năm 1998, nhà thờ được xây lại với chiều dài ......, chiều rộng 12 m. Nhà thờ giáo họ Yên Hòa được xây dựng năm ..... gồm 1 nhà gỗ 6 gian là nơi sinh hoạt của giáo dân thôn Yên Hội. Nhà thờ giáo họ Đức Vọng được xây dựng năm 1978 tách ra từ giáo họ Yên Hòa. Nhà thờ là nơi sinh hoạt củ giáo dân thôn .....
Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội: Có nhiều địa chủ, nhiều việt gian, phản động, người cượt biên, tù thả về...
Đến nay, đồng bào theo đạo Thiên chúa ở xã có 627 hộ, 2.849 khẩu. Các giáo dân ở Sơn Giang luôn chấp hành dúng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng lối sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương.
Về phong tục, tập quán: Người Sơn Giang luôn quan niệm thờ cúng tổ tiên là nghĩa vụ thiêng liêng. Lúc cha mẹ còn sống thì phụng dưỡng chu đáo, khi cha mẹ mất thì hương khói cúng đơm sao cho trọn nghĩa vẹn tình. Những người coi nhẹ tổ tiên, không thờ phụng được coi là bất nhân, bất hiếu. Trong nhà bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian chính, cao ráo, sạch sẽ, trang nghiêm nhất. Đồ tế có đủ hương, hoa, trầm, trà, đèn dầu, bát đũa… Vào những ngày giỗ, tết có thêm mâm cỗ sịnh soạn. Từ thờ cúng gia tiên, mở rộng ra đến thờ cúng họ tộc. Họ lớn đông người thì xây nhà thờ riêng, họ nhỏ ít người không có điều kiện thì tổ chức thờ cúng ngay tại nhà trưởng tộc. Các tục lệ có thể giảm bớt nhưng ngày giỗ tổ luôn được con cháu ghi nhớ để cúng tế trang nghiêm. Các dịp rằm tháng tháng Giêng, rằm tháng Bảy… con cháu khắp nơi tụ họp dâng nén nhang thơm tưởng nhớ công đức tổ tiên, đây cũng là dịp con cháu ôn lại lịch sử dòng họ, nhắc nhở, răn dạy con cháu về giữ gìn nề nếp gia phong, truyền thống dòng họ. Sự bảo lưu, gìn giữ nhà thờ họ qua thăng trầm lịch sử, cũng như nhiều nhà thờ họ hiện nay thể hiện nét đẹp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của con người nơi đây. Ngoài ra, ở Sơn Giang còn lưu giữ được nhiều nét đẹp trong các phong tục mang đậm chất mộc mạc thuần hậu của một làng quê yên bình như: mừng thọ đầu xuân, lễ vào họ, tục đi phường hội, tục uống nước chè xanh… trong đó lập các phường hội, tục mừng thọ đầu xuân và uống nước chè xanh là đậm nét nhất.
Từ thực tiễn cuộc sống với bao khó khăn, người dân xưa phải nương tựa vào nhau trong các tổ chức phường - hội trên tinh thần ái hữu. Các hình thức: phường săn, phường đi Lào, phường tranh, phường lúa, phường tiền, phường ngói… lần lượt ra đời. Hội hiếu, hội hỷ ra đời và hoạt động sôi nổi đã góp phần không nhỏ trong sự gắn kết, vun đắp thêm tình làng, nghĩa xóm trong cư dân nơi đây.
Sinh hoạt văn hóa dân gian ở Sơn Giang nói riêng tương đối phong phú, với nhiều hình thức như kể chuyện cổ tích, thần thoại, chuyện cười; giao lưu với các điệu hát ví, hát dặm, hát đối, hát tuồng… Các trò chơi dân gian như đánh đu, đi kheo, kéo co, cờ tướng, cờ người… cũng được thường xuyên tổ chức trong các dịp lễ tết, hội hè. Hoạt động này vừa mang sắc thái riêng của địa phương, vừa là tài sản văn hóa thể hiện tình yêu nghệ thuật tạo thêm sự phong phú trong đời sống tinh thần của người dân.
Sơn Giang là vùng đất địa linh, vừa có núi, có đồng bằng và dòng sông Ngàn Phố thơ mộng chảy qua. Từ khi lập làng đến nay đã trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng với bàn tay khối óc, người dân Sơn Giang đã tạo dựng nên những nét đẹp truyền thống thống đó là: cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động, sản xuất; kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm, thông minh, học giỏi. Những truyền thống đó hôm nay đang được con cháu giữ dìn và phát huy, thu được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, tiến lên xhur nghĩa xã hội.